Chủ nhật, ngày 05/05/2024, 09:52

Phản bác quan điểm sai trái, thù địch “Kinh tế tư nhân trở thành động lực phát triển là xa rời nền tảng tư tưởng, mất định hướng xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam”

Đỗ Đức Quân

(GDLL) - Trong quá trình đổi mới đất nước, việc giải quyết vấn đề sở hữu luôn là một trong những nhiệm vụ mà Đảng Cộng sản Việt Nam quan tâm và giải quyết, trong đó giải quyết vấn đề sở hữu tư nhân, kinh tế tư nhân là thành công hơn cả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước qua từng giai đoạn phát triển trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Mặc dù vậy, các thế lực thù địch vẫn tập trung chống phá ác liệt; trong bài viết này, tác giả tập trung phản bác những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Chỉ ra không gian tồn tại và giới hạn của kinh tế tư nhân trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở nước ta. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp căn cơ để tiếp tục thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước.

Hội nghị Chiến lược phát triển Kinh tế tư nhân 2024 (ảnh minh họa từ nguồn: vnanet.vn)

Đặt vấn đề

Sau gần 40 năm thực hiện quá trình đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu mang tính lịch sử. Trước năm Đổi Mới (1986) kinh tế tư nhân từ chỗ không được thừa nhận, đến chỗ được thừa nhận, cho phép phát triển ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, đến phát triển trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, những thế lực thù địch luôn tìm cách xuyên chống phá, có thể khái quát thành một số quan điểm sai trái như sau: Một là, phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế là không thực hiện đúng chỉ dẫn của C.Mác, của Ăngghen, là xa rời nền tảng tư tưởng. Hai là, phát triển kinh tế tư nhân dẫn đến bóc lột nên không thể có chủ nghĩa xã hội được. Ba là, phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thì sẽ chệch hướng XHCN. 

1. Phản bác những quan điểm sai trái về “kinh tế tư nhân trở thành động lực phát triển kinh tế là xa rời nền tảng tư tưởng, mất định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Luận điểm thứ nhất, “phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế là không thực hiện đúng chỉ dẫn của C.Mác, của Ăngghen, là xa rời nền tảng tư tưởng” 

Vấn đề này, các thế lực thù địch dựa vào chính luận điểm nổi tiếng của C.Mác và Ăngghen trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là: “xóa bỏ chế độ tư hữu”[2, tr.616]. Theo chúng tôi, vấn đề được C.Mác đề cập ở đây là tính chất của chế độ tư hữu. Những người chống phá Đảng và nhân dân ta đã “tảng lờ”, rập khuôn, máy móc về câu chữ trong tác phẩm của C.Mác và Ăngghen, không xét đến mục đích, những lập luận sắc bén dựa trên cơ sở khoa học và bằng chứng lịch sử của hai Ông trong bản “tuyên ngôn” hiệu triệu giai cấp vô sản toàn thế giới. Về vấn đề xóa bỏ chế độ tư hữu C.Mác và Ph.Ăngghen đã lập luận và làm rõ mấy vấn đề: (1). Xóa bỏ chế độ tư hữu là xóa bỏ tư hữu nào? Các Ông chỉ rõ là phải xóa bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản, cái cần tước bỏ là “quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác” [2, tr.618], cuối cùng nhằm lật đổ giai cấp tư sản và chế độ TBCN. (2) Không xóa bỏ sở hữu tư nhân của người lao động. Chủ nghĩa cộng sản tuyệt nhiên không muốn xóa bỏ sự chiếm hữu cá nhân của người công nhân đối với những sản phẩm lao động của anh ta, vì sự chiếm hữu ấy không đẻ ra một khoản dư nào có thể đem lại một quyền lực chi phối lao động của người khác, cũng không tước bỏ của ai cái khả năng chiếm hữu những sản phẩm xã hội [2,tr.617]. (3) C.Mác và Ăngghen chỉ rõ thời điểm hay điều kiện xóa bỏ chế độ tư hữu. Các Ông cho rằng, không thể dùng mệnh lệnh hành chính, dùng mong muốn chủ quan của chúng ta để xóa bỏ chế độ tư hữu trong hiện thực. Sự xóa bỏ chế độ tư hữu chỉ có thể xảy ra một cách nội tại và tuân theo các quy luật khách quan của sự vận động và phát triển của xã hội. Về thời điểm có thể xóa bỏ chế độ tư hữu là khi lực lượng sản xuất đạt đến trình độ xã hội hóa cao đòi hỏi thiết lập một nền kinh tế công hữu, trong các tác phẩm của mình C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ rõ: “Không, không thể được, cũng y như không thể làm cho lực lượng sản xuất hiện có tăng lên ngay lập tức đến mức cần thiết để xây dựng một nền kinh tế công hữu. Cho nên, cuộc cách mạng của giai cấp vô sản đang có tất cả những triệu chứng là sắp nổ ra, sẽ chỉ có thể cải tạo xã hội hiện nay một cách dần dần, và chỉ khi nào đã tạo nên được một khối lượng tư liệu sản xuất cần thiết cho việc cải tạo đó thì khi ấy mới thủ tiêu được chế độ tư hữu”[2, tr.469]

Như vậy, Quan điểm xóa bỏ chế độ tư hữu là quá trình lịch sử tự nhiên, tuân theo quy luật phát triển của lực lượng sản xuất và không thể dùng mệnh lệnh hành chính để xóa bỏ chế độ tư hữu. Trước đổi mới, do chủ quan, nóng vội nước ta đã nhanh chóng muốn xóa bỏ tư hữu, xóa bỏ kinh tế tư nhân nên đã kìm hãm sự phát triển sản xuất, dẫn đến khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm 80 của thế kỷ XX. Tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng ta đã quán triệt quan điểm này của Mác - Ăngghen, đã xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần và xác định nền kinh tế nhiều thành phần tồn tại lâu dài trong suốt thời kỳ quá độ lên CNXH; từ chỗ thừa nhận kinh tế tư nhân đến chỗ cho phép kinh tế tư nhân phát triển không giới hạn về qui mô và tất cả những ngành nghề mà pháp luật không cấm, đến năm 2017 thì xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. 

Luận điểm thứ hai, "phát triển kinh tế tư nhân dẫn đến bóc lột nên không thể có chủ nghĩa xã hội được"

Bóc lột, theo Đại từ điển Tiếng Việt có hai nghĩa, một là chiếm đoạt thành quả lao động của người khác bằng các dựa vào quyền tư hữu về tư liệu sản xuất cũng như địa vị, quyền thế chính trị; hai là, ăn lãi, lợi dụng quá đáng [11, tr.176], dưới giác độ kinh tế bóc lột được hiểu là hành vi của người sở hữu về tư liệu sản xuất chiếm đoạt lao động thặng dư của người lao động. Thực chất của bóc lột là sự phân chia của cải tăng thêm của sản xuất xã hội không công bằng. Bóc lột lần đầu tiên xuất hiện cùng với phân công lao động và chiếm hữu tư nhân trong xã hội chiếm hữu nô lệ. Khi nghiên cứu vấn đề này, Ph.Ăng-ghen đã nhận xét: “Từ sự phân công xã hội lớn lần đầu tiên, đã nảy sinh ra sự phân chia xã hội lớn đầu tiên trong xã hội thành hai giai cấp: chủ nô và nô lệ, kẻ bóc lột và người bị bóc lột” [3, tr.240]. Giai cấp chủ nô chiếm đoạt bộ phận sản phẩm còn lại, gồm không chỉ sản phẩm thặng dư mà cả một phần sản phẩm tất yếu của nô lệ. Đến xã hội phong kiến, hình thức bóc lột đã phát triển từ địa tô lao dịch lên thành địa tô hiện vật, cuối chế độ phong kiến thì xuất hiện địa tô bằng tiền. Chế độ tài sản tư hữu trong các công trường thủ công được thay thế bằng chế độ tư hữu TBCN dựa trên sự chiếm đoạt lao động thặng dư của người công nhân làm thuê mà không trả vật ngang giá, nghĩa là bóc lột giá trị thặng dư. Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, khi đến chủ nghĩa xã hội chế độ chiếm hữu về tư liệu sản xuất sẽ là công hữu và không có bóc lột. 

Trong quan điểm này các thế lực thù địch chỉ dựa vào những dự báo của C.Mác và Ăngghen khi CNXH đã thành công mà “lờ tịt” những luận giải khoa học của hai ông về những khó khăn trong lãnh đạo phong trào cách mạng trong những năm cuối thế kỷ XIX, rằng không thể xóa bỏ ngay chế độ tư hữu, xóa bỏ ngay bóc lột và do đó cũng không thể có ngay CNXH, mà quá trình này phải diễn ra từ từ theo sự phát triển của tư liệu sản xuất và khoa học – kỹ thuật. 

Trước đổi mới năm 1986, nước ta phát triển đất nước theo mô hình CNXH của Liên Xô, lấy việc xây dựng chế độ công hữu làm mục tiêu, không quan tâm đúng mức đến quy luật khách quan của sự phát triển lực lượng sản xuất, mong muốn xóa bỏ bóc lột, xóa bỏ nhanh kinh tế tư nhân. Do chủ quan, duy ý chí nên càng đẩy mạnh hợp tác hóa, quốc doanh hóa thì nền kinh tế càng trì trệ xa xút, lực lượng sản xuất không chỉ không phát triển mà có chiều hướng ngược lại.

Bước váo công cuộc đổi mới, thấm nhuần những chỉ dẫn của các nhà kinh điển, chúng ta đã lấy sự phát triển lực lượng sản xuất và xã hội hóa sản xuất làm tiền đề để xây dựng một xã hội không còn quan hệ bóc lột, nên đẩy mạnh sự phát triển kinh tế tư bản tư nhân ở nước ta là phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa. Về xử lý vấn đề bóc lột, đã lấy tiêu thức thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, tăng năng suất lao động làm cơ sở để xử lý. Hình thức bóc lột cản trở sự phát triển lực lượng sản xuất, hình thức nào còn có tác dụng thúc đẩy lực lượng sản xuất, như hoạt động của thành phần kinh tế tư bản tư nhân thì Nhà nước phải bảo đảm quyền sở hữu và lợi ích hợp pháp của các nhà tư bản, khuyến khích họ đẩy mạnh kinh doanh theo pháp luật vì sự nghiệp “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Luận điểm thứ ba, "phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thì sẽ chệch hướng XHCN"

Các thế lực thù địch chống phá chúng ta cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế là thừa nhận bóc lột, thừa nhận quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, là từ bỏ mục tiêu CNXH. Vậy, thực hư chuyện này là thế nào? Bằng lý luận kinh tế của Chủ nghĩa Mác - Lênin và thực tiễn xây dựng CNXH, chúng ta có đủ cơ sở để khẳng định rằng chủ trương phát triển kinh tế tư nhân không phải là chệch hướng, là từ bỏ mục tiêu XHCN, mà ngược lại là sử dụng chính nó để rút ngắn hơn thời kỳ quá độ đi lên CNXH ở Việt Nam. 

Trong lãnh đạo nước Nga, chính Lênin đã chỉ ra trong thời kỳ quá độ cần thiết phải sử dụng các thành phần kinh tế phi XHCN cho mục đích xây dựng CNXH. Ông khẳng định: “Không thể quá độ trực tiếp lên CNXH mà phải qua con đường gián tiếp, không thể quá vội vàng, thẳng tuột, không được chuẩn bị”[9, tr.445]. Trong xây dựng quan hệ sản xuất mới cần thông qua con đường gián tiếp là CNTB nhà nước, với các hình thức: Tô nhượng, đại lý, cho thuê xí nghiệp, khu mỏ... [9, tr.274]

Ở Việt Nam, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN được xác định là nền kinh tế có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật, được xác định là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Căn cứ vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, kinh tế tư nhân còn dư địa phát triển mà nôn nóng xóa bỏ là một sai lầm. Việc cần phải làm là khơi dậy, phát huy, sử dụng kinh tế tư nhân cho mục đích hiện đại hóa lực lượng sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH. Tuy nhiên, để bảo đảm định hướng XHCN khi khuyến khích, cho phép kinh tế tư nhân phát triển trở thành động lực quan trọng thì một mặt, phải ghi nhận đóng góp quan trọng của kinh tế tư nhân cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội, mặt khác phải quản lý, kiểm soát, định hướng hoạt động của kinh tế tư nhân theo khuôn khổ pháp luật của nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Nhưng việc xóa bỏ chế độ tư hữu, theo quy luật trên là một quá trình kinh tế - xã hội lâu dài, không phải một sớm một chiều. Chính V.I.Lê-nin chỉ rõ: “Đấy là công việc rất lâu dài. Muốn hoàn thành công việc đó, phải thực hiện một bước tiến khổng lồ trong sự phát triển lực lượng sản xuất, phải chiến thắng sự phản kháng (thường là tiêu cực, đặc biệt dai dẳng và đặc biệt khó khắc phục) của nhiều tàn dư của sản xuất nhỏ, phải chiến thắng sức mạnh to lớn của tập quán và thói thủ cựu gắn liền với những tàn dư đó” [6, tr.18]. Như vậy, sự tồn tại của kinh tế tư nhân trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta là có cơ sở khách quan. Đảng ta chủ trương phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế là có định hướng XHCN nền kinh tế chứ không phải chệch hướng XHCN

3. Giải pháp phát triển kinh tế tư nhân trở thành động phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta

Thứ nhất, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước trong phát triển kinh tế đất nước. Cần có sự thống nhất nhận thức, tư tưởng và hành động trong việc triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân, tránh sự mâu thuẫn, chồng chéo trong các văn bản quy định về các chương trình, chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân.

Thứ hai, bảo đảm cơ sở cho kinh tế tư nhân phát triển lâu dài, trở thành động lực trong phát triển kinh tế. Nền tảng của kinh tế tư nhân là sử hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, trong chế độ sở hữu hỗn hợp hay đa hình thức sở hữu, biểu hiện ra là nền kinh tế nhiều thành phần. Trong quá trình vận động, phát triển các thành phần kinh tế phải được cải biến dựa vào những tiền đề khách quan: xuất phát từ trình độ phát triển của lực lượng sản xuất xã hội và yêu cầu xã hội hóa sản xuất trên thực tế; xuất phát từ đặc điểm, tính chất của từng ngành nghề mà xác định tỷ trọng, quy mô, cơ cấu các thành phần kinh tế cho phù hợp; xuất phát từ khả năng tổ chức và quản lý kinh tế của Nhà nước xã hội chủ nghĩa và đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế. 

Trong bảo đảm cơ sở cho kinh tế tư nhân phát triển lâu dài, trở thành động lực trong phát triển kinh tế thì vấn đề không phải là xóa bỏ hay ưu tiên hình thức sở hữu - thành phần kinh tế này hay thành phần kinh tế khác, mà điều quan trọng là phải nắm vững bản chất, vai trò của từng thành phần và sử dụng chúng đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Mỗi thành phần kinh tế có bản chất và những quy luật hoạt động riêng, dựa trên một hình thức sở hữu nhất định về tư liệu sản xuất, có khả năng tái sản xuất một cách tương đối độc lập lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất tương ứng. Khả năng tái sản xuất là điều kiện tồn tại và vận động của mỗi thành phần kinh tế. Theo xu hướng này thì nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nước ta “có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội” [9, tr.129].

Thứ ba, thể chế hóa quyền tài sản bảo đảm cho hình thành đầy đủ, đồng bộ các chủ thể của kinh tế thị trường, các yếu tố của thị trường vận hành thông suốt. Thể chế hóa quyền tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân yêu cầu bảo đảm minh bạch về nghĩa vụ và trách nhiệm trong thủ tục hành chính nhà nước và dịch vụ công; quyền quản lý điều hành của Nhà nước đối với tài sản công và quyền bình đẳng trong việc tiếp cận tài sản công của mọi chủ thể trong nền kinh tế. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ quyền sở hữu, nhất là các thiết chế giải quyết tranh chấp dân sự, tranh chấp kinh tế.

Thể chế hóa quyền tài sản cần tập trung một số vấn đề sau: Tiếp tục quán triệt các quan điểm của Đảng trong các văn kiện; cụ thể hóa những tư tưởng, nguyên tắc cơ bản của thể chế KTTT định hướng XHCN được ghi nhận trong Hiến pháp về quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi hình thức sở hữu và thành phần kinh tế... Quy định cụ thể các quyền tài sản thông thường được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự cũng như có hướng dẫn cụ thể về tài sản hình thành trong tương lai, bao gồm tài sản chưa hình thành và tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch. Tiếp tục hoàn thiện một cách đồng bộ các quy định về quyền tài sản bao gồm cả xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền tài sản. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng bảo đảm minh bạch, đầy đủ, thống nhất, phù hợp với thực tế, hợp lý và có tính khả thi.

Thứ tư, hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn. Để có các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, cần đẩy mạnh công tác quy hoạch, huy động tổng hợp các nguồn lực từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa, nhằm phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của doanh nghiệp về mặt bằng sản xuất và các hạ tầng kỹ thuật cần thiết với chi phí hợp lý, đảm bảo kết nối thuận tiện với hệ thống giao thông, tăng cường liên kết giữa các khu, cụm công nghiệp và khu kinh tế.

Khuyến khích việc hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế lớn, trong đó có những tập đoàn xuyên quốc gia để làm chủ thị trường trong nước và từng bước tăng cường vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường khu vực và thế giới. Làm được điều này cần xây dựng được mô hình tập đoàn kinh tế hiệu quả; xác định được công nghệ và nguồn nhân lực đáp ứng sản xuất xanh, sản xuất sạch, kinh tế tuần hoàn, cam kết phác thải nhà kính; hình thành thương hiệu mạnh quốc gia; tích tụ và tập trung vốn lớn bằng nhiều hình thức, như phát hành trái phiếu, cổ phiếu ưu đãi, cổ phiếu thường, đi vay, tái đầu tư từ lợi nhuận…

Kết luận

Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một trong những đột phá về tư duy lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam; phù hợp với sự vận động khách quan, tuân theo những chỉ dẫn của các nhà kinh điển, bảo đảm định hướng XHCN. Để thực hiện tốt vai trò của kinh tế tư nhân trong thúc đẩy xã hội hóa sản xuất phải xây dựng được các tập đoàn tư nhân hùng mạnh với những thương hiệu quốc gia uy tín, nắm giữ những khâu trọng yếu trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tài liệu tham khảo:

[1] Hoàng Chí Bảo (chủ biên, 2010), Bản chất khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác – Lênin, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[2] C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[3] C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, t21, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[4] C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, t23, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[5] C.Mác và Ph.Ăngghen (1997), Toàn tập, t37, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. 

[7] V.I.Lênin (2005), Toàn tập, t10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội

[8] V.I.Lênin (1977), Toàn tập, t39, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội

[9] V.I.Lênin (2005), Toàn tập, t43, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội

[10] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[11] Nguyễn Như Ý (chủ biên, 1998), Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.

Đọc thêm

C.Mác - Nhà tư tưởng vĩ đại của nhân loại

Tác giả: GS, TS Nguyễn Hùng Hậu

(LLCT) - C.Mác là nhà tư tưởng vĩ đại của nhân loại, đã có những phát kiến khoa học làm thay đổi cả thế giới, trong đó đặc biệt là quan niệm duy vật về lịch sử và học thuyết về giá trị thặng dư. Khoa học đối với C.Mác là một động lực lịch sử, một lực lượng cách mạng, góp phần vào việc lật đổ xã hội tư bản, giải phóng giai cấp vô sản hiện đại. Ở Việt Nam, Hồ Chí Minh là người đầu tiên tiếp thu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác lên tầm cao mới phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam, từ đó đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân

Tác giả: Ngô Hảo Nhi

(GDLL) - Giữ vững bản chất giai cấp công nhân, kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân là hai nhiệm vụ có mối quan hệ chặt chẽ, đặt ra thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài viết nhận diện các luận điệu sai trái, lệch lạc và đưa ra các luận cứ, luận chứng cùng thực tiễn nhằm đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân trong giai đoạn hiện nay.

Vững bước đi theo Chủ nghĩa Mác-Lênin là sự lựa chọn đúng đắn, tất yếu của Đảng và Dân tộc Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Thị Dung - Kiều Hưng

(GDLL) - Chủ nghĩa Mác - Lênin mãi luôn là thành tựu vĩ đại trong sự phát triển của tư duy và trí tuệ loài người về lý luận phát triển xã hội. Lý luận của học thuyết này được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển sáng tạo vào điều kiện thực tiễn cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam tiến lên hiện thực hóa khát vọng hùng cường. Bài viết khẳng định sự lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lênin của Đảng và dân tộc Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn; đồng thời, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin trong sự nghiệp cách mạng của Việt Nam.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong Tác phẩm “Thường thức chính trị” vào xây dựng Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I hiện nay

Tác giả: Nguyễn Vĩnh Thanh

(GDLL) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng của Người về xây dựng Đảng được thể hiện trong nhiều bài nói, bài viết, trong số đó “Thường thức chính trị” là tác phẩm nổi bật trình bày về nội dung xây dựng Đảng. Bài viết phân tích nội dung xây dựng Đảng trong tác phẩm và nêu lên những định hướng vận dụng vào công tác xây dựng Đảng tại Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực I ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp nối truyền thống tự hào, vẻ vang 70 năm hình thành và phát triển.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng - giá trị vận dụng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay

Tác giả: Lê Tuấn Vinh - Nguyễn Thị Thanh Nhàn

(GDLL) - Bài viết khái quát những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đánh giá khái quát việc thực hiện nội dung này trong công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nêu lên những vấn đề đặt ra và một số giải pháp nhằm phát huy giá trị cốt lõi này trong công tác xây dựng Đảng thời gian tới.